BÀI SUY NIỆM VỀ LỄ MẸ SẦU BI
ĐỨC MẸ ĐỒNG THỤ NẠN Lm. JB Nguyễn Minh Hùng Ngày hôm qua chúng ta tôn thờ Thánh Giá Chúa Kitô, hôm nay chúng ta mừng kính cây thánh giá cuộc đời của Đức Mẹ.Tước hiệu “Đức Mẹ sầu bi” nói lên tất cả sự hiệp công cứu độ của Mẹ Thiên Chúa cùng đồng hành với Con của mình trên con đường thánh giá. Tước hiệu “Đức Mẹ sầu bi” cũng cho biết trọn vẹn ý nghĩa cuộc tử đạo, không đổ máu, nhưng kiên cường của Đức Mẹ. Cuộc tử đạo ấy là cuộc tử đạo của cả một đời đi theo Chúa, vác thập giá với Chúa. Cuộc tử đạo ấy đã làm cho Đức Mẹ hiệp công cùng Con trong từng ngày tháng của đời mình cứu độ trần gian. Tin Mừng cho chúng ta biết điều đó: - Khi nghe cụ già Simêon tiên báo: “Lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà”. - Khi bị Hêrôđê tìm giết Con, đã phải bồng Con lặn lội trong đêm trốn sang Aicập. - Khi lạc mất Con, phải đôn đáo tìm Con đến ba ngày mới gặp. - Khi dõi theo bước chân truyền giáo của Con và nhận ra đó không phải là những bước chân êm đềm, nhưng phải luôn luôn đối đầu với sự khinh miệt, bị thù ghét, nhiều lần bị rắp tâm giết hại. - Khi theo Con trên đường lên đồi Sọ, chứng kiến cảnh tượng Con mình: vai vác thập giá nặng, thân thể đầy thương tích do roi đòn, do lòng thù hận của loài người gây nên. - Chứng kiến Con đội mão gai mà xót đau như chính những gai nhọn kia đâm thẳng vào đầu mình. - Cùng chịu đóng đinh đau đớn với Con khi chứng kiến Con oằn quại trước những mũi đinh đâm thâu tay chân. - Cùng Con chết lặng, khi chứng kiến đến cùng giây phút cuối đời bi thương của Con. - Buốt giá tâm hồn khi nhận lấy thân xác cứng đờ của Con từ trên thánh giá. Đúng là một cuộc tử đạo trọn vẹn như lời thánh Bênađô đã nói: “Sự đau đớn đã đâm thâu tâm hồn Mẹ, khiến chúng con có thể nói một cách thích đáng rằng: Mẹ còn hơn người tử đạo, vì nơi Mẹ, niềm thông cảm đau khổ của Con, khiến Mẹ đau đớn hơn cả sự đau đớn trên thân xác”. Như vậy Đức Mẹ Maria đã bắt đầu cuộc lữ hành đức tin bằng những lời xin vâng: “Tôi là nữ tỳ Chúa. Tôi xin vâng như lời thiên thần truyền” (Lc 1,38) và những lời vui tươi hăng hái của người mẹ trẻ: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa... Vì Đức Chúa đã nhìn đến phận hèn tôi tớ Đức Chúa...” (Lc 1, 46-55). Lời xin vâng ấy vẫn trọn vẹn, vẫn một niềm son sắt khi thông hiệp và cùng liên đới trong sự đau thương cùng cực của Chúa Giêsu. Sự làm một với Con trong nỗi đau thánh giá ấy, được Tin Mừng Gioan khắc họa thành hình tượng vô cùng đẹp trong vẻ đẹp bi hùng: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người” (Ga 19, 25). Công đồng Vatican II nhìn thấy cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu và sự thông hiệp toàn vẹn của Đức Mẹ, là biểu lộ sự hoàn tất thánh ý cứu độ của Thiên Chúa: “Đức Trinh Nữ đã vững tiến trong cuộc lữ hành đức tin, và trung thành hợp nhất với Con Mẹ cho tới khi đứng dưới chân thập tự giá, theo đúng chương trình của Thiên Chúa” (LG 58). Ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bi theo ngay sau lễ Suy Tôn Thánh Giá, là cách Hội Thánh dạy chúng ta: Lòng sùng kính Đức Mẹ của chúng ta phải được hướng về Chúa Kitô. Chúa Kitô chính là trung tâm, là đối tượng của việc thờ phượng, của lòng sùng kính mà chúng ta cần dâng lên Người trọn đời mình. Mừng lễ Đức Mẹ đồng thụ nạn với Đức Chúa Kitô khổ nạn, chúng ta noi gương Đức Mẹ, kết hợp cuộc đời khổ đau của chúng ta với cuộc đời tử nạn của Đức Chúa Kitô, Nhờ thế, chúng ta tin tưởng sẽ cùng được hưởng phúc trường sinh vinh hiển với Đức Chúa như Đức Mẹ. Đó chính là hy vọng mà Hội Thánh hằng mong ước và khẩn nguyện: “Khi chúng con kính nhớ tình yêu đau khổ của Đức Trinh Nữ Maria, xin cho chúng con biết dùng đời sống mình để bù đắp những gì còn đang thiếu sót trong những đau khổ của Đức Chúa Kitô để mưu ích cho Hội Thánh” (Lời nguyện hiệp lễ ngày 15/09). Lạy Mẹ Maria, xin cho chúng con hằng ngày biết sẵn lòng chịu mọi gian lao đau khổ, hiệp cùng sự thương khó của Mẹ, để cùng Mẹ cộng tác vào chương trình cứu rỗi của Chúa Kitô, nhằm mang lại sự sống đời đời cho chính chúng con và cho thế giới. Amen. |